Bài viết được dịch từ blog Simple Programmer
Cho đến hôm nay, sau một khoảng thời gian khá dài trong nghề phần mềm, tôi mới thử sắp xếp lại trong tâm trí mình về 4 cấp độ khác biệt mà các lập trình viên phần mềm có thể trải qua trong quá trình cố gắng tìm kiếm “tự do” cho bản thân họ.
Đối với phần lớn thời gian trong sự nghiệp phát triển phần mềm của mình, khi tôi là một nhân viên làm việc cho một công ty, tôi có một ước mơ là đến một ngày nào đó mình sẽ được tự do. Tôi muốn có khả năng làm việc cho chính bản thân mình. Đối với tôi, đó mới là tự do tối thượng.
Nhưng tôi thật là ngây thơ và đã không nhận ra rằng thực sự có các cấp độ khác nhau của cái khái niệm “làm việc cho bản thân”. Tôi cũng giả định rằng nếu bạn đã tự làm chủ, bởi vì hầu hết các lập trình viên mà tôi đã nói chuyện về chủ đề này đều có cùng cách nghĩ giống như tôi đã có – trước khi tôi biết nhiều hơn.
Trước đây tôi đã viết một bài về cách làm thế nào để bỏ công việc của bạn, nhưng bài viết này có một chút khác biệt. Bài viết này không thực sự nói về cách làm thế nào để bỏ việc, mà nói về các cấp độ khác nhau của việc tự làm chủ mà bạn có thể đạt được, sau khi bạn thôi việc.
4 Cấp độ tự do trong nghề lập trình viên
Bốn cấp độ mà tôi mô tả dựa trên mức độ tự do mà bạn trải nghiệm trong công việc của mình; chúng không có gì liên quan đến các cấp độ kỹ năng cả. Nhưng nói chung chúng ta luôn tìm cách để tiến lên những cấp độ này và hy vọng thành công trong việc đạt được nhiều tự do hơn. Vì vậy, hầu hết các lập trình viên đều bắt đầu tại cấp độ 1, và lần đầu tiên mà họ trở thành người tự làm chủ thường là cấp độ 3 – mặc dù bạn có thể bỏ qua các cấp độ trước và tiến thẳng lên cấp độ 3 này.
Dưới đây là một định nghĩa nhanh về các cấp độ này (tôi sẽ đề cập chi tiết về mỗi cấp độ trong phần tiếp theo.)
- Employed (làm thuê) – bạn làm việc cho một người nào đó
- Freelancer (làm tự do) – bạn là ông chủ của chính bạn, nhưng bạn làm việc cho rất nhiều người khác
- Product creator (chủ sản phẩm) – bạn là ông chủ của chính bạn, nhưng khách hàng của bạn xác định những gì bạn làm việc trên đó
- Financially free (tự do về tài chính) – bạn làm những việc bạn muốn và khi bạn thích; bạn không cần phải kiếm tiền
Tôi đã bắt đầu sự nghiệp của mình tại cấp độ 1 rồi bật đi bật lại giữa cấp độ 2 và cấp độ 1 một thời gian trước khi tôi có thể nhảy sang cấp độ 3. Hiện tại tôi đang làm việc để vươn lên cấp độ 4 – mặc dù, tôi thấy rằng rất dễ để ở lại cấp độ 3 thậm chí bạn có thể chuyển sang cấp độ 4.
Trên con đường đi qua, tôi đã nhận ra rằng tại mỗi cấp độ mà mình đang có, tôi thường cho rằng mình sẽ cảm thấy hoàn toàn tự do khi vươn tới cấp độ cao hơn. Nhưng cứ mỗi lần đó tôi đều nhận ra rằng mình đã sai. Trong khi mỗi cấp độ mang lại cho tôi nhiều tự do hơn, nhưng mỗi cấp độ đó cũng dường như không phải là những gì mà tôi đã tưởng tượng trước đó.
Cấp độ 1: làm thuê
Giống như tôi đã nói, hầu hết các lập trình viên đều bắt đầu ở cấp độ này. Thành thật mà nói, hầu hết các lập trình viên đều ở lại cấp độ này – và bạn đừng hiểu sai ý tôi, vì điều đó không có gì là sai cả – miễn là bạn hạnh phúc.
Ở cấp độ này, bạn không có nhiều tự do, bởi vì về cơ bản bạn phải làm những việc người ta yêu cầu bạn làm và bạn phải làm việc khi người ta yêu cầu bạn làm, và bạn thường gắn chặt với một vị trí địa lý nhất định. (Trong suốt bài này, bạn sẽ nhìn thấy 3 cấp độ của tự do.)
Làm việc cho một người khác không có gì là xấu cả. Bạn có thể có một công việc thực sự tốt với mức lương xứng đáng, nhưng trong hầu hết các trường hợp bạn phải đánh đổi sự an toàn với một sự bó buộc trong công việc. Bạn nhận được khoản tiền lương hàng tháng một cách đều đặn, nhưng bạn phải trả giá là phần lớn sự tự do của mình.
Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn không có những mức độ tự do khác nhau trong việc làm kiểu truyền thống. Tôi nghĩ rằng có những cấp độ nhỏ của tự do tồn tại ngay cả khi bạn đang làm thuê cho một ai đó. Ví dụ, bạn có khả năng nhận được nhiều tự do hơn về việc khi nào thì bạn bắt đầu công việc và khi nào thì ra về, bằng cách leo lên những chức vụ và trở thành một người làm việc có thâm niên. Bạn cũng có khả năng được trao quyền tự chủ nhiều hơn một chút về công việc bạn làm – mặc dù các phương pháp Agile có thể sẽ mang chúng ta quay trở lại vấn đề đó.
Thậm chí bạn có thể có được tự do về địa điểm làm việc nếu bạn có khả năng tìm một công việc cho phép bạn làm việc từ xa. Trong quá trình tìm kiếm tự do của mình, tôi thực sự phải đánh đổi một mức lương đáng kể để được chấp nhận một công việc mà tôi có thể được tự do làm việc tại nhà. Tôi đã sai lầm khi tưởng rằng làm việc ở nhà sẽ là tự do tối thượng và tôi sẽ trở thành một người làm việc về nội dung cho một ai đó suốt cả phần còn lại sự nghiệp của mình, miễn là tôi có thể làm việc đó ở nhà. (Đừng hiểu sai ý tôi, làm việc ở nhà có những đặc quyền của nó, nhưng nó cũng có những điểm bất lợi. Khi tôi làm việc ở nhà, tôi cảm thấy có nghĩa vụ nhiều hơn trong việc hoàn thành công việc để chứng tỏ rằng tôi không phải là kẻ làm biếng. Tôi cũng cảm thấy rằng công việc của mình chẳng bao giờ kết thúc.)
Giờ đây, giống như tôi đã nói từ trước, nhiều người sẽ ở lại cấp độ 1 và có lẽ sẽ di chuyển loanh quanh, để đạt được nhiều tự do hơn thông qua những thứ như quyền tự chủ và một lịch trình làm việc linh hoạt, nhưng có những giới hạn nhất định của tự do tại cấp độ này. Không ai sẽ trả tiền cho bạn để làm điều bạn thích và nói với bạn rằng bạn có thể biến mất bất cứ lúc nào bạn muốn. Bạn cũng sẽ có những giới hạn về mức thu nhập. Bạn chỉ có thể làm ra nhiều tiền khi làm việc cho một ai đó và số tiền đó thì hầu như đã cố định trước rồi.
Cấp độ 2: freelancer (làm tự do)
Vì vậy, đây chỉ là một cấp độ khác mà tôi đã thực sự tưởng tượng tồn tại đối với một lập trình viên, trong phần lớn sự nghiệp của mình. Tôi nhớ là mình đã suy nghĩ về sự tuyệt vời khi được làm việc trên các dự án của riêng mình cùng với những khách hàng của mình. Tôi đã tưởng tượng rằng khi là một freelancer thì tôi có thể đấu thầu (bid) các hợp đồng của chính phủ và dành ra một vài năm để thực hiện hợp đồng đó trước khi chuyển sang dự án tiếp theo. Tôi cũng đã tưởng tượng ra một sự luân phiên khi tôi làm việc cho nhiều khách hàng khác nhau, làm việc trên các công việc khác nhau tại các thời điểm khác nhau – tất cả từ những thuận lợi trong các dự án của mình.
Khi hầu hết các lập trình viên nói về việc bỏ công việc của họ và trở thành một người tự làm chủ, tôi nghĩ đây chính là điều mà họ tưởng tượng. Họ nghĩ, giống như tôi đã nghĩ trước đây, rằng đây là cấp độ cuối cùng của tự do.
Tôi đã không mất quá nhiều thời gian khi làm freelancer để nhận ra rằng cấp độ này cũng không có nhiều tự do hơn, tức là làm việc với tư cách là một freelancer thì cũng không tự do hơn là làm thuê cho một người nào đó. Trước tiên, nếu bạn chỉ có một khách hàng lớn, giống như hầu hết tất cả những freelancer mới vào nghề, thì về cơ bản bạn ở vào một tình huống tương tự như là khi bạn đang đi làm thuê – sự khác biệt lớn nhất đó là bây giờ bạn không thể được trả tiền cho những giờ mà bạn làm biếng. Bạn sẽ có thể có nhiều tự do về giờ giấc làm việc của bạn, nhưng bạn sẽ bị ràng buộc vào dự án mà khách hàng đã thuê bạn làm và bạn có thể thậm chí phải đến tận văn phòng của họ để làm việc.
Điều này không có nghĩa là bạn không có nhiều tự do hơn, mặc dù nó chỉ là một hình thức khác. Nếu bạn có nhiều khách hàng, bạn có quyền kiểm soát nhiều hơn đối với cuộc sống của mình và những công việc nào mà bạn làm. Bạn có thể thiết lập tỉ lệ cho riêng mình, bạn có thể thiết lập giờ giấc của riêng bạn và có thể có khả năng từ chối công việc mà bạn không muốn làm – mặc dù, trong thực tế, bạn sẽ không bỏ dự án nào cả – đặc biệt là nếu bạn mới chỉ bắt đầu gia nhập cấp độ freelancer.
Đừng hiểu sai ý tôi, cũng rất tốt khi bạn có công ty của riêng mình và có khả năng gửi hóa đơn cho các khách hàng của bạn, thay vì vị bắt buộc làm việc cho một ông chủ mà có toàn quyền kiểm soát toàn bộ cuộc sống của bạn, nhưng freelancing là bao gồm rất nhiều công việc và các công việc hàng ngày có thể thực sự khó cảm thấy có nhiều tự do hơn là bạn đang làm việc cho một người nào đó.
Nếu được lựa chọn giữa việc làm freelancer hoặc làm việc cho một người nào đó, thì tôi chỉ muốn làm công việc có tiền lương được trả đều đặn hơn. Nếu là 5 năm về trước thì tôi đã không nói như vậy, nhưng giờ đây tôi biết rằng freelancing là công việc rất khó và căng thẳng. Tôi thực sự sẽ không đi theo con đường này trừ khi bạn biết đây là điều bạn muốn làm hoặc bạn đang sử dụng nó như là một bước đệm để tiến đến một nơi nào khác.
Từ góc độ thu nhập, một freelancer có thể kiếm nhiều tiền hơn hầu hết các nhân viên làm thuê. Hiện tại tôi đang làm freelancer và tôi không chấp nhận bất kỳ công việc nào có giá ít hơn $300 đô-la/giờ. Tôi đã không bắt đầu với mức tỉ lệ đó – khi tôi bắt đầu làm freelancer tôi tính phí $100 đô-la/giờ đã là một tỷ lệ đáng kinh ngạc – nhưng, cuối cùng tôi đã làm việc theo cách của mình để nâng lên được mức hiện nay. Một điều đáng suy nghĩ đó là mức thu nhập của bạn không có giới hạn. Bạn càng tính phí cao và số giờ bạn làm việc càng nhiều thì bạn càng kiếm được nhiều tiền. Bạn chỉ bị giới hạn bởi các giới hạn của cả hai yếu tố này kết hợp lại.
Cấp độ 3: tạo ra sản phẩm của riêng mình
Cấp độ này là nơi mà mọi thứ trở nên thú vị. Khi tôi chủ yếu làm công việc freelancing, tôi đã nhận ra rằng sai lầm chính của mình đó là không làm việc cho một người nào đó, mà bằng cách đánh đổi những đồng đô-la cho giờ làm việc của mình. Tôi nhận ra rằng là một freelancer thì cuộc đời mình không đẹp đẽ như là tôi đã tưởng tượng trước đây. Nó không thực sự tự do, bởi vì nếu tôi không làm việc thì tôi sẽ không được trả lương.
Tôi thực sự đã chấm dứt công việc freelancer và quay trở lại làm nhân viên toàn thời gian để suy nghĩ lại chiến lược của mình. Tôi càng vắt óc suy nghĩ, thì tôi càng nhận ra rằng để thực sự đạt được sự tự do mà tôi muốn, tôi sẽ cần phải tạo ra một dạng sản phẩm mà tôi có thể bán hoặc một loại dịch vụ mà sẽ tạo ra thu nhập cho tôi trong tất cả thời gian thậm chí khi tôi không làm việc.
Có rất nhiều cách để đạt đến cấp độ này, nhưng có lẽ cách phổ biến nhất đó là xây dựng một số loại phần mềm hoặc dịch vụ phần mềm (SASS) để sinh ra thu nhập cho bạn. Sau đó bạn có thể kiếm tiền từ việc bán sản phẩm và bạn làm việc trên sản phẩm đó khi nào và theo cách bạn cảm thấy phù hợp.
Bạn cũng có thể đạt đến cấp độ này bằng cách bán các sản phẩm số theo hình thức nào đó. Tôi đã có khả năng vươn tới cấp độ này thông qua một sự kết hợp giữa blog này, các ứng dụng di động mà tôi đã xây dựng, và tạo ra các khóa học có thu phí trên Pluralsight và gói chương trình Làm thế nào để tiếp thị bản thân với tư cách là một lập trình viên.
Bạn có thể khá tự do ở cấp độ này. Bạn không còn có bất kỳ một ông chủ thực sự nào nữa. Không còn một ông chủ đầu hói nào luôn ra lệnh cho bạn phải làm những gì và bạn cũng không có những khách hàng nói với bạn phải làm việc trên các dự án nào nữa. Bạn hầu như có thể làm việc ở bất cứ nơi nào bạn muốn và bất cứ khi nào bạn thích. Thậm chí bạn có thể biến mất trong khoảng vài tháng trời – miễn là bạn tìm ra cách nào đó để có thể xử lý hỗ trợ cho sản phẩm của mình.
Lúc này, điều đó không có nghĩa là mọi thứ trở nên ngon lành cành đào tại cấp độ này. Có một điều là, tôi đã tưởng rằng nếu tôi tạo ra các sản phẩm, thì tôi sẽ có thể làm việc một cách chính xác những gì mà tôi muốn làm. Điều này còn lâu mới thành sự thật. Tôi có một mức độ lớn trong việc kiểm soát những gì tôi lựa chọn để làm và tạo ra, nhưng vì tôi bị ràng buộc bởi nhu cầu kiếm tiền, nên tôi phải dành ra một phần lớn sự kiểm soát đó tới thị trường. Tôi phải xây dựng những thứ mà khách hàng của tôi sẽ trả tiền để mua.
Điều này dường như có vẻ không phải là vấn đề lớn, nhưng thực ra đúng là như vậy. Tôi luôn luôn có ước mơ được viết code và làm việc trên những dự án của riêng mình. Tôi đã mơ ước rằng khi trở thành một người tạo ra sản phẩm và tiền được tạo ra từ các sản phẩm của tôi sẽ mang lại cho tôi sự tự do đó. Ở một mức độ nào đó, nhưng tôi cũng phải chú ý cẩn thận tới mong muốn của các độc giả và khách hàng của mình và tôi phải đặt trọng tâm chính của mình vào việc xây dựng những thứ đó.
Cấp độ này cũng khá là áp lực, bởi vì mọi thứ phụ thuộc vào bạn. Bạn phải thành công mới có thể thu được tiền. Khi bạn là một người làm thuê, tất cả bạn phải làm đó là làm hết công việc được giao. Khi bạn là một freelancer, bạn chỉ phải tìm kiếm khách hàng và làm công việc đã thỏa thuận – bạn nhận được thù lao cho công việc bạn làm chứ không phải là các kết quả. Khi bạn là một người tạo ra sản phẩm, bạn có thể dành ra 3 tháng trời để làm việc trên một cái gì đó mà không nhận được đồng cắc nào cả. Không ai quan tâm về bạn đã làm bao nhiêu khối lượng công việc, chỉ kết quả cuối cùng mới quan trọng.
Về thu nhập tiềm năng thì không có giới hạn ở đây. Bạn có thể phải vật lộn chỉ để kiếm đủ sống, nhưng nếu bạn thành công, thì không có giới hạn nào về số tiền mà bạn kiếm được, vì bạn không bị giới hạn bởi thời gian. Tại cấp độ này bạn không còn phải đổi chác giữa thời gian và những đồng đô-la nữa.
Đối với tôi, việc cố gắng để leo lên cấp độ 2 không quan trọng cho lắm, tốt hơn là chỉ làm việc cho một ai đó cho tới khi bạn có thể vươn tới cấp độ 3, bởi vì ở cấp độ tự do này thì nó mới thực sự tạo ra những khác biệt lớn trong cuộc sống của bạn. Bạn có thể vẫn không có khả năng làm việc trên thứ mà bạn muốn, nhưng ít ra thì tại điểm này – một khi bạn đã thành công – tất cả những mặt khác của cuộc đời bạn bắt đầu trở nên tự do nhiều hơn.
Cấp độ 4: tự do tài chính
Tôi không thể tìm ra một cái tên tốt hơn cho cấp độ này, nhưng đây là cấp độ mà bạn không còn phải lo lắng về việc kiếm tiền nữa. Có một điều mà tôi nhận thấy khi tôi cuối cùng cũng đã đạt đến cấp độ 3 đó là phần lớn những yếu tố khiến tôi không thể làm chính xác cái mà tôi muốn đó là sự cần thiết phải tạo ra thu nhập.
Có một sự thật rằng bạn có thể làm việc trên thứ mà bạn muốn, nhưng việc cần phải tạo ra thu nhập có xu hướng ảnh hưởng đến cái bạn làm và cách bạn làm công việc đó như thế nào. Ví dụ, tôi đã thực sự muốn tạo ra một trò video game. Tôi đã luôn luôn mơ ước làm một dự án phát triển game lớn. Nhưng tôi biết rằng nó có thể không có khả năng tạo ra lợi nhuận. Miễn là tôi đang lo lắng về thu nhập, thì sự tự do của tôi sẽ bị giới hạn ở một mức độ nào đó. Nếu tôi không có một khoản thu nhập thụ động đủ để cầm cự, thì tôi không thể bỏ làm các dự án tạo cho tôi thu nhập để bắt đầu viết code cho trò video game đó được – vâng, tôi có thể, nhưng đó không phải là cách thông mình và tôi cảm thấy khá tội lỗi về điều đó.
Vì vậy, theo quan điểm của tôi, hình thức cao nhất của tự do mà một nhà phát triển phần mềm có thể đạt được đó là khi họ được tự do về tài chính. Ý của tôi về tự do tài chính là như thế nào? Về cơ bản nghĩa là bạn không phải lo lắng về tiền bạc nữa. Có lẽ bạn đã bán startup của mình với giá vài triệu đô-la hoặc bạn có một nguồn thu nhập thụ động từ bất động sản hoặc những khoản đầu tư khác mà có thể cung cấp nhiều hơn cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của bạn. (Để có thông tin tốt về làm thế nào để đạt được điều đó thì tôi đề xuất bạn nên đọc cuốn sách “Cha giàu, Cha nghèo”.)
Ở cấp độ tự do này, về cơ bản bạn có thể làm những gì bạn muốn. Bạn có thể tạo ra các phần mềm gây hứng thú cho bạn, bởi vì bạn thích như vậy – bạn không phải lo lắng về khả năng sinh lời. Nếu muốn tạo ra một ứng dụng Android thì bạn bắt tay vào làm ngay. Muốn học một ngôn ngữ lập trình mới chỉ vì bạn nghĩ nó sẽ mang lại niềm vui, bạn lao vào học ngay.
Đây luôn luôn là cấp độ tự do mà tôi đã thầm ao ước. Tôi chẳng bao giờ muốn ngồi yên mà không làm bất cứ điều gì, tôi luôn luôn muốn làm việc mà tôi cảm thấy thú vị và chỉ những thứ mà tôi quan tâm. Mọi cấp độ khác mà tôi đã nghĩ sẽ mang lại sự tự do này, thì tôi đều nhận ra là chúng không thể đáp ứng được. Tôi đã nhận ra rằng luôn luôn có một cái gì đó sẽ kiểm soát cái mà tôi làm việc trên đó, có thể là ông chủ của tôi, các đối tác hoặc các khách hàng của tôi.
Điều này không có nghĩa rằng bạn không thể kiếm được tiền từ các dự án của mình. Trong thực tế, có một nghịch lý mà tôi luôn tin tưởng, nếu bạn có thể tiến tới giai đoạn này, bạn có tiềm năng kiếm được rất nhiều tiền. Một khi bạn đã bắt đầu làm việc trên thứ mà bạn muốn, bạn sẽ làm công việc đó với một sự đam mê và nó sẽ mang lại một giá trị rất cao. Đây là lúc lập trình giống như một nghệ thuật vậy. Dĩ nhiên tôi không có bất kỳ bằng chứng nào về điều này, nhưng tôi ngờ rằng khi tôi không quan tâm về việc kiếm tiền, bởi vì bạn đang làm công việc mà bạn yêu thích, thì đó là khi bạn làm được nhiều nhất.
Đừng hiểu sai ý tôi, bạn có thể có khả năng tập trung làm những gì bạn yêu thích, thậm chí nếu bạn không tạo ra bất cứ chút tiền bạc nào. Tôi biết rất nhiều nghệ sĩ sống đói kém mà vẫn theo đuổi nghệ thuật – hoặc ít ra là họ cho phép bản thân làm như vậy – nhưng, tôi không thể làm điều đó. Tôi đã cố thử, nhưng tôi luôn luôn cảm thấy tội lỗi và bị áp lực về một thực tế rằng tôi đang làm một công việc mà không sinh ra lợi nhuận. Theo quan điểm của tôi, bạn thực sự có tự do tài chính thì mới có thể trải nghiệm được tự do sáng tạo đích thực.
Tôi thực sự đang làm việc để tiến tới cấp độ này. Về mặt kỹ thuật, tôi có thể nói rằng mình đã ở cấp độ này, nhưng tôi vẫn bị ảnh hưởng lớn bởi lợi nhuận. Mặc dù, giờ đây tôi không lựa chọn các dự án của mình chỉ dựa trên các tiêu chí sẽ tạo ra nhiều tiền nhất. Tôi đang từ chối khá nhiều dự án và cơ hội mà không cảm thấy thích hợp với cái tôi muốn làm, và tôi đang cố gắng chuyển dịch để làm việc chỉ trên những thứ mà tôi quan tâm khi mà mức thu nhập thụ động của mình tăng lên.
Bạn có thể thu được gì từ tất cả những điều này?
Vâng, điều lớn nhất đó là tự do có nhiều cấp độ khác nhau và có lẽ dù gì thì bạn sẽ không muốn trở thành một freelancer. Tôi nghĩ có nhiều lập trình viên cho rằng làm việc cho chính họ bằng cách freelancing sẽ mang lại cho họ sự tự do tối thượng. Họ không nhận ra rằng họ sẽ chỉ có khả năng làm việc chính xác về những gì họ muốn làm chỉ khi họ thực sự tự do về tài chính.
Vì vậy, lời khuyên của tôi dành cho bạn đó là nếu bạn muốn kiểm soát hoàn toàn sự sáng tạo trong cuộc sống của mình và cái mà bạn làm việc, thì bạn phải trở nên tự do về tài chính. Nếu bạn muốn một cấp độ tự trị cao hơn trong hầu hết các lĩnh vực của cuộc sống thì bạn nên cố gắng phát triển và bán các sản phẩm. Nếu bạn hạnh phúc khi trở thành ông chủ của chính mình, thậm chí nếu bạn phải làm theo đơn đặt hàng của khách, thì freelancing có thể là con đường dành cho bạn. Và, nếu tất cả những điều trên dường như là một cái giá quá đắt mà bạn phải trả, bạn có thể chỉ muốn ở lại nơi bạn đang ở và tiếp tục nhận được những khoản lương đều đặn hàng tháng – không có gì là sai trái với điều đó cả.
Nguồn:
HỒ SỸ HÙNG
Hồ Sỹ Hùng thuộc thế hệ 8x, sinh ra ở Nghệ An, học ở Hà Nội, có vài năm làm việc tại Sài Gòn, và Đồng Nai. Anh là lập trình viên có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực: C#, VB.NET, ASP.NET, SQL Server, XML, MVC, Entity Framework… và đồng thời cũng là admin của blog http://vinacode.net/. Bạn có thể liên hệ với anh qua email hungpm2000[at]gmail.com